Một số công trình nghiên cứu
liên quan đến văn tế trung đại
Việt Nam - điểm lại và định
hướng nghiên cứu
Nguyễn Duy Tuấn
I. Đặt vấn đề
Văn học trung đại là một bộ phận văn học vô cùng quan trọng trong nền văn học
nước ta và đã góp phần xây dựng nên bản lĩnh văn hoá của dân tộc Việt Nam
trong hệ thống văn hoá, văn học khu vực và thế giới. Đến với văn học trung đại
Việt Nam, chúng ta sẽ biết đến nhiều vấn đề thú vị và ý nghĩa như: Chủ nghĩa
yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm, Chủ nghĩa nhân đạo, tình yêu thiên
nhiên và con người, tinh thần đấu tranh nữ quyền… Nhiều vấn đề trong số đó
đều là những vấn đề của văn học nói chung, đồng thời, thông qua đó, chúng ta
cũng rút ra được những đặc trưng của văn học Việt Nam đối với văn học các
nước. Vì nhận thức được vai trò to lớn ấy, giới nghiên cứu văn học trung đại Việt
Nam của Việt Nam và thế giới đã bỏ ra nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu thấu
đáo những vấn đề trên và đã đưa ra nhiều khám phá mới mẻ, bổ ích.
Bên cạnh những vấn đề riêng về nội dung của văn học, vấn đề chung về thể loại
cũng được một số người chú ý nghiên cứu. Tuy nhiên, so với vấn đề nội dung thì
vấn đề thể loại chưa được chú ý đúng mức. Đây phải là hai vấn đề được đặt
song song khi nghiên cứu văn học. Đặc biệt đối với văn tế, nội dung cũng là một
phương diện gắn liền với thể loại.
Chúng tôi nhận thấy, trong số các thể loại du nhập từ Trung Quốc, văn tế là thể
loại được “Việt hoá” nhiều nhất. Xét về cả nội dung, hình thức và phương tiện
bày tỏ tình cảm, văn tế trung đại Việt Nam (nhất là văn tế Nôm) dường như đã
hoàn toàn thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn tế Trung Quốc. Có thể nói, đây là
thể loại văn học dành riêng cho những dân tộc giàu lòng nhân ái và trọng tình
trọng nghĩa như dân tộc Việt Nam. Bên cạnh nội dung thể hiện tình nghĩa đó,
văn tế Trung đại Việt Nam còn thể hiện nội dung lớn hơn, đó chính là lòng yêu
nước, tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường mà chúng tôi nghĩ không có
nhiều nội dung này trong văn tế Trung Quốc. Chính vì thế, khi nói về thể loại, văn
tế phải là một trong các thể loại được chú ý hàng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế,
thể loại văn học này rất ít được nói đến. Trong các công trình nghiên cứu về văn
học nói chung hay về thể loại văn học nói riêng, văn tế chưa bao giờ được xem
xét một cách đầy đủ và có hệ thống, có chăng chỉ là phần phụ vào khi nghiên
cứu về một trào lưu văn học hay nghiên cứu về một tác gia có sáng tác theo thể
loại này. Đây là điều thiếu sót, đồng thời cũng nhờ thế chúng tôi có cơ hội tìm
hiểu, nghiên cứu thêm về vấn đề mà mình yêu thích.
Văn tế trung đại Việt Nam ra đời, tồn tại, phát triển từ thế kỷ XVIII (không nói
Văn tế cá sấu) đến đầu thế kỷ XX. Tuy không phải là một thể loại xuất hiện sớm,
nhưng xét ở một phương diện nào đó nó cũng xứng đáng được ghi nhận vừa là
một bộ phận nối tiếp của Chủ nghĩa yêu nước, vừa là một bộ phận song hành
của Chủ nghĩa nhân đạo. Cũng có thể nói nó được bắt nguồn từ Chủ nghĩa yêu
nước và Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam. Và những đóng
góp của văn tế trung đại trong văn học Việt Nam thật sự là một đề tài lớn để
chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu.
II. Điểm lại và nhận xét một số công trình nghiên cứu liên quan đến thể loại
văn tế trung đại Việt Nam
Qua một số tài liệu nghiên cứu có nói về văn tế trung đại đã đọc, chúng tôi thấy
thể loại này cũng được xem xét ở cả các phương diện nguồn gốc, nội dung,
nghệ thuật… Tuy nhiên, mức độ còn rất hạn chế. Số lượng tài liệu nghiên cứu
liên quan đến vấn đề này cũng còn quá khiêm tốn. Theo thống kê sơ bộ (chưa
đầy đủ), chúng tôi nhận thấy chỉ có một vài công trình nghiên cứu, giáo trình, bài
viết có đề cập, bao gồm:
1. Một trong những quyển sách đề cập tác giả - tác phẩm văn tế tương đối sớm
là Việt Nam danh nhân tự điển của Nguyễn Huyền Anh do Hội Văn hoá bình dân
xuất bản năm 1960. Trong quyển tự điển có 7 mục nói về tác giả - tác phẩm văn
tế như sau:
1/ Trong đại lễ táng Cao Thắng, cụ Phan Đình Phùng đã đọc bài văn tế bằng
Quốc âm;
2/ Đặng Đức Siêu là tác giả 2 bài văn tế: Văn tế Phò mã Chưởng Hậu quân Võ
Tánh và Lễ bộ Thượng thơ Ngô Tùng Châu và Văn tế Đức thầy Bá Đa Lộc[1];
3/ Vua Trùng Quang có bài văn tế Nguyễn Biểu;
4/ Mấy bài văn tế nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế sĩ dân Lục tỉnh, Văn
tế vong hồn mộ nghĩa;
5/ Nguyễn Quý Tân có bài Văn tế sống vợ;
6/ Nguyễn Văn Thành là tác giả bài văn tế bằng Quốc âm Văn tế tướng sĩ trận
vong[2];
7/ Phạm Thái với Văn tế Trương Quỳnh Như
Tuy nhiên, do tính chất của một quyển tự điển, các tác phẩm trên hoặc chỉ được
nêu tên, hoặc có in kèm toàn bộ hay một phần tác phẩm mà thôi, không có phần
nào dành cho việc nghiên cứu. Mặc dù vậy, thông qua nó, chúng tôi cũng có
thêm nguồn tư liệu về một số tác phẩm mà chúng tôi chưa biết hoặc chưa sưu
tầm được.
2. Quyển sách duy nhất tập hợp (và tập hợp nhiều) tác phẩm văn tế là Văn tế cổ
và kim (Phong Châu – Nguyễn Văn Phú, Nxb. Văn hoá – Viện Văn học, 1960) đã
dành ra phần đầu để giới thiệu qua một số đặc điểm về nội dung và hình thức
nghệ thuật của văn tế. Văn tế “trước kia chủ yếu dùng vào việc hiếu để tỏ lòng
thương tiếc hoặc ca ngợi công đức người đã chết… có khi … để tế thần thánh
và ca ngợi người còn sống… Việc sử dụng văn tế không ở mức độ đơn giản như
thế mãi… Trong sự tiếc thương và ca ngợi công đức người quá cố, tác giả các
bài văn tế đã lồng vào để nói lên tâm trạng của mình trước thời cuộc. Cái khóc ở
đây không còn ở mức thuộc tình cảm cá nhân mà đã có tính chất xã hội…, chứa
đựng cả một tinh thần nhân đạo lớn lao.”
Về hình thức: văn tế theo thể phú (văn tế là một biến thể của phú), thể Đường
luật, văn xuôi, văn vần nhưng không đối nhau, lối tán, song thất lục bát…
Về nghệ thuật, “nghệ thuật văn tế mang rất nhiều dân tộc tính và về mặt hình
thức cũng có những nét riêng không đến nỗi quá gò bó như phú” nên khả năng
biểu hiện tình cảm cũng có đôi chút thoáng hơn.
Nhìn chung, đây là những đặc điểm đã được nhiều người công nhận. Điều đáng
chú ý là, quyển sách này chủ ý sưu tầm tác phẩm văn tế (67 bài), không phải là
công trình nghiên cứu chuyên sâu nên tác giả không đưa ra lý giải hay chứng
minh cho những luận điểm của mình. Tuy nhiên, từ những điều trình bày vắn tắt
ấy cũng có thể là cơ sở cho những nghiên cứu chuyên sâu.
3. Nguyễn Lộc trong giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu
thế kỷ XIX do nhà xuất bản ĐH&GDCN xuất bản năm 1976 nhắc đến một số bài
văn tế quen thuộc như Văn tế Trương Quỳnh Như (Phạm Thái), Văn tế chị
(Nguyễn Hữu Chỉnh)… và có viết đôi dòng nhận xét về từng tác phẩm. Về Văn
tế Trương Quỳnh Như: “Có lẽ không đâu tình yêu xót xa, quặn đau hơn là tình
yêu của Phạm Thái trước cái chết của Trương Quỳnh Như.” Về Văn tế chị:
“Cùng với bài Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, đây là một bài văn tế
giàu cảm xúc, viết không theo niêm luật của thể phú, có thể coi những bài này là
mầm móng của văn xuôi nghệ thuật bằng chữ Nôm trong lịch sử văn học nước
nhà.” Đây là những dòng ít ỏi về một số bài văn tế cụ thể giai đoạn nửa cuối thế
kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, chưa thể lột tả được hết đặc điểm về nội dung cũng
như nghệ thuật của văn tế trung đại Việt Nam.
4. Cũng Nguyễn Lộc, giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thể kỷ XIX do nhà
xuất bản ĐH&GDCN xuất bản năm 1976 tuy không có ý định trình bày một cách
hệ thống về văn tế giai đoạn này nhưng có nhiều chỗ nhắc đến một số tác giả và
tác phẩm văn tế tiêu biểu; hay như nói về sự giao lưu văn hoá giữa hai miền
Nam Bắc, tác giả viết: “Sự giao lưu văn học giữa hai miền cũng được đẩy mạnh.
Nguyễn Tư Giản nhà thơ miền Bắc, rất thân thiết với Nguyễn Thông nhà thơ
miền Nam; Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ miền
Nam, có tiếng vang rất lớn đối với các nhà thơ ở miền Bắc…” Qua đó chúng ta
có thể thấy được giá trị cũng như sự nổi tiếng của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
trong cả nước.
Tiến lên một bước cao hơn, Nguyễn Lộc đã đưa ra những nhận định có tính khái
quát hơn vầ văn tế: Văn tế là một trong những thể loại “có tính chất đại chúng,
sáng tác nhanh, phục vụ kịp thời”, văn tế là một trong những thể loại “phát triển
nhất” của giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, văn tế “thích hợp trong việc diễn đạt
những tình cảm lớn”, văn tế ở giai đoạn này “được sáng tác trong các phong trào
kháng chiến chống Pháp rầm rộ nên không chỉ bi thương mà còn căm phẫn”.
Trong phần sau của sách, tác giả có đôi dòng nhắc đến một số tác phẩm cụ thể
như Văn tế Cơ – ri – vi – ê (khuyết danh), Tế chinh Tây trận vong tướng sĩ (Văn
tế tướng sĩ đánh Pháp tử trận) của Lê Khắc Cần, Văn tế ông Cai Trí. Ngoài ra,
sách còn cho biết Nguyễn Quang Bích cũng có làm văn tế.
Tác giả cũng mạnh dạn đưa ra nhận định về hạn chế trong tư tưởng yêu nước
của Nguyễn Đình Chiểu là có hiện tượng “chuyển từ tin tưởng, hi vọng sang bi
quan, thất vọng”, “Ở bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vẫn có cái thống thiết lâm li
của loại văn tế, nhưng không khí của toàn bài là hào hùng, sôi nổi. Đến bài Văn
tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh thì cái hào hùng, sôi nổi ấy mờ nhạt, khí thế “sống
đánh giặc, chết cũng đánh giặc” hay “sống thờ vua, chết cũng thờ vua” không
còn nữa. Bây giờ “sống thì chịu tuyết sương trời một góc, khó đem sừng ngựa
hẹn quy kỳ; thác rồi theo mưa ngút bể muôn trùng, khôn mượn thư nhàn đưa tin
tức.” Tuy nhiên, tác giả chỉ bày tỏ sự cảm thông với Nguyễn Đình Chiểu mà
chưa đưa ra lý giải thoả đáng cho hiện tượng trên. Nhận định trên có đúng hay
không, nếu đúng thì vì nguyên nhân gì? Đây là điều cần phải làm rõ trong những
công trình nghiên cứu sâu về văn tế, nhất là văn tế của Nguyễn Đình Chiểu.
5. Một trong những bộ giáo trình Hán Nôm quan trọng nhất là Cơ sở ngữ văn
Hán Nôm (Lê Trí Viễn chủ biên, Nxb. Giáo dục, 1986) có một số dòng giới thiệu
khá ngắn gọn nhưng đề cập nhiều vấn đề về nội dung, nghệ thuật, thể tài của
văn tế, như “Văn tế có thể viết theo thể tự do (từ khúc, thể thơ, thể văn xuôi)
hoặc theo thể phú Đường luật”, “Văn tế có tính trữ tình rõ rệt”. Điều đáng nói là
về nội dung, các tác giả nhận định: Vì “mục đích [của văn tế] là nêu lên tính tình,
công đức của người chết và tỏ lòng thương tiếc của người còn sống” nên “nội
dung văn tế coi như bị mục đích hạn chế, văn tế nào cũng lấy cuộc đời người
quá cố làm đối tượng, nên cái khác nhau giữa các bài văn tế chỉ là sự khác nhau
ở con người cụ thể, người đã chết, người còn sống, và quan hệ giữa kẻ chết
người sống.” Nhận định này đúng nhưng chưa đủ. Đúng ở chỗ “nội dung bị hạn
chế”, vì đúng như tên gọi của nó, văn tế là một thể loại đặc thù viết ra để ca
ngợi, thương tiếc, để diễn đạt tình cảm giữa người với người. Nhưng không chỉ
có vậy. Nếu như nói “văn tế nào cũng lấy cuộc đời người quá cố làm đối tượng”
là chỉ nói về mặt công thức. Đường thi không có công thức hay sao, các thể tài
văn học dân gian không có công thức hay sao, mà chúng vẫn trường tồn và
được yêu thích. Cho nên vấn đề không phải ở chỗ này. Ngay cả “cuộc đời người
quá cố” cũng không ai giống ai thì cái được diễn đạt trong văn tế đương nhiên
cũng khác. Đó là chưa nói đến nghệ thuật diễn đạt cũng nhiều hình nhiều dạng.
Cho nên, nhận định như trên là chưa nhìn vấn đề một cách toàn diện.
6. Nhiều vấn đề về thể loại văn tế đã được Phạm Thế Ngũ trình bày trong Việt
Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 2, Nxb. Đồng Tháp, 1997). Đáng chú ý
gồm hai vấn đề sau: Vấn đề thứ nhất, nói về thể tài, Phạm Thế Ngũ cho rằng,
văn tế vì có vần ở cuối câu nên có thể xếp vào vận văn, và vì có đối nên cũng có
thể xếp vào biền văn. Vấn đề thứ hai, nói về sự phát triển của văn tế, ông cho
rằng, văn tế phát triển cao vào thời Tây Sơn, là “một món quà mới của văn học
Tây Sơn”. Ông lý giải, “Chiến tranh đem lại sự chết chóc, lại có lắm cái chết hiển
hách cần phải đề cao, lắm cái chết đau đớn không thể không than khóc. Bài văn
tế nguyên lai để tỏ tình cảm cá nhân, nhưng ở những trường hợp trọng đại,
được đọc trước mặt công chúng để cho linh hồn người chết cảm thấy, song
cũng để cho công chúng rung động…”
Vấn đề thứ nhất chúng tôi cảm thấy chưa thỏa đáng. Nếu chỉ vì có vần ở cuối
câu mà xếp văn tế vào vận văn thì đã xem nhẹ các yếu tố nghệ thuật khác như
đối ngẫu, độ dài ngắn của câu (độ dài ngắn rất quan trọng trong văn tế để diễn
đạt tình cảm)… Vì thế, theo ý chúng tôi, chỉ nên xếp văn tế vào loại biền văn như
nhiều người đã làm. Về vấn đề thứ hai, tác giả đã đặt văn tế đúng vào tầm quan
trọng của nó. Tuy nhiên, ông chỉ mới nói đến tác động nhất thời của văn tế mà
thôi. Cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, ý nghĩa vốn có của văn tế. Cụ thể như
thời nội chiến Tây Sơn thì văn tế một mặt có vai trò thấp là “tỏ tình cảm cá
nhân”, “đọc trước mặt công chúng để cho linh hồn người chết cảm thấy”, “để cho
công chúng rung động”, nhưng mặt khác, ở ý nghĩa cao hơn, nó còn là tiếng nói
phản kháng trước sự tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến, là lời
tố cáo chiến tranh, là niềm mơ ước một cuộc sống thanh bình… Đây cũng chính
là một trong những nội dung quan trọng cần nghiên cứu thêm của văn tế thời
Tây Sơn nói riêng, văn tế trung đại nói chung.
Cũng trong quyển sách này, Phạm Thế Ngũ dẫn ra lời bình của Phạm Quỳnh về
“những cái hay” của Văn tế tướng sĩ trận vong của Tiền quân Nguyễn Văn
Thành-một bài văn tế được xem là kiệt tác trong loại thời Tây Sơn mà “thời ấy
cũng như sau này không một bài nào có thể hơn được”, đáng nói hơn, đây là lời
bình dài nhất, hay nhất về một tác phẩm văn tế mà chúng tôi được đọc qua các
quyển sách, xin trích một đoạn như sau: “Hay vì lời: lời đáng ghi vào vàng đá,
truyền đến muôn đời; khi gióng giả như dịp trống trong quân, khi tơi bời như
ngọn còi dưới nguyệt, khi ‘mịt mù như cơn gió lốc thổi dấu kẻ tha hương’, khi ‘lập
lòe như đám lửa trơi, soi chừng đám cổ độ’, khi hùng tráng như tiếng gươm tuốt
trong trận, khi lâm li như tiếng vượn khóc trên ngàn. Hay vì ý tứ: ý tứ thâm trầm,
muốn biểu dương công nghiệp của kẻ quân nhân đã giúp bản triều gây dựng
nên cơ đồ vĩ đại, người sống đã hết phận truy tùy, ‘chung nỗi ân ưu mà riêng
phần lao khổ’, kẻ chết cũng còn hộ được ‘Hoàng triều cho bể lặng sóng trong’…”
7. Trong Đặc trưng thể loại của văn tế (Ngô Gia Võ, Tạp chí Hán Nôm, số 1 năm
1998), sau khi nhắc lại một số đặc trưng thể loại chung của văn tế đã được công
bố và thừa nhận như: đối tượng, nội dung cơ bản, phương thức biểu cảm, thể
tài văn học, giá trị văn học; tác giả đã trình bày thêm một đặc trưng thể loại quan
trọng, đặc trưng này “nằm ở ý thức và mục đích sáng tác” của tác giả văn tế.
Theo đó, văn tế được sáng tác nhằm vào hai đối tượng: người sống và người
chết: “Văn tế đọc khi tế người chết để cho người đang sống nghe, nhưng trong ý
thức văn hoá cổ, trong tâm ý người xưa, văn tế còn để đọc cho người chết nghe.
Người đứng tế có niềm tin vững chắc rằng người chết có linh hồn, họ chết đi -
linh hồn họ còn tồn tại, người chết vẫn nghe thấy, nhìn thấy, vẫn tiếp nhận được
nội dung bài văn tế.” Chính ý thức này đã “chi phối tâm lý sáng tạo của nhà văn
thời trung đại”, tạo ra một “không gian nghệ thuật của riêng văn tế mà các thể
loại văn học khác tuyệt nhiên không có.”
Quan trọng hơn, từ đặc trưng này, tác giả còn tiến thêm một bước là xem xét lại
một cách nghiêm túc một số quan niệm và cách hiểu văn tế:
1/ Vấn đề tính hiện thực trong văn tế: hiện thực trong văn tế “không phải là hiện
thực cụ thể, trần trụi” của đời thường mà là “hình ảnh của hiện thực được rọi
sáng từ tâm linh của tác giả”;
2/ “Không nên đem quan điểm khoa học của chủ nghĩa vô thần để quy chụp sự
hạn chế tư tưởng duy tâm trong các bài văn tế… Cần phải đặt văn tế vào vùng
tiếp nhận đặc thù của nó mới thấy hết được cái hay của những tín hiệu thẩm mỹ
có màu sắc linh thiêng ấy.”
3/ Không nên áp đặt cái nhìn của người hiện đại vào tâm thức sáng tạo của
người trung đại như một số quan niệm đã có.
Đây là một trong những bài viết sâu nhất về văn tế, vừa hệ thống sơ lược những
đặc điểm thể loại của văn tế đã được đề cập trước kia, vừa đề nghị cái nhìn mới
về những đặc điểm đó, đồng thời tác giả bài viết còn đưa ra đặc trưng mới trên
cơ sở nghiên cứu của riêng mình.
Ý kiến trên đây của tác giả bài viết rất hữu ích cho những ai nghiên cứu về văn
tế nói riêng và nghiên cứu văn tế trong văn học trung đại nói chung. Nó sẽ giúp
chúng ta tránh được cái nhìn lệch lạc khi phân tích đánh giá vấn đề, đồng thời có
cơ sở để nhìn nhận lại một số vấn đề trước kia. Ở đây chỉ xin góp ý: như trên có
điểm qua, tác giả viết “Văn tế đọc khi tế người chết để cho người đang sống
nghe, nhưng trong ý thức văn hoá cổ, trong tâm ý người xưa, văn tế còn để đọc
cho người chết nghe.” Như vậy, mục đích đầu tiên của văn tế là “đọc cho người