Các mức độ độc lập của Ngân hàng trung ương trong nền kinh tế hiện
đại
Ngày nay, sứ mệnh của hầu hết các Ngân hàng trung ương trên thế giới là chịu trách nhiệm xây
dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia thông qua các công cụ và giải pháp nhằm đạt tới
các mục tiêu chính sách đã đề ra; chịu trách nhiệm về sự vận hành trôi chảy của hệ thống
thanh toán và sự bình ổn của hệ thống tài chính và Ngân hàng trung ương là người cho vay
cứu cánh cuối cùng. Vì vậy, mục tiêu hoạt động đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của Ngân
hàng trung ương là mục tiêu của chính sách tiền tệ. Mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ
hầu như thống nhất ở các nước đó là ổn định giá trị đồng bản tệ, tạo tiền đề thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Ngoài các mục tiêu vĩ mô này, tuỳ thuộc vào trạng thái
của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, các Ngân hàng trung ương còn có thể lựa chọn cho mình
thêm một số mục tiêu cụ thể khác.
Để Ngân hàng trung ương phát huy mạnh mẽ vai, trò, nhiệm vụ của mình, trên thế giới hiện nay
có nhiều loại mô hình Ngân hàng trung ương đang được sử dụng nhưng không có một mô hình
Ngân hàng trung ương lý tưởng nào áp dụng chung cho mọi nước. Việc không có một mô hình
lý tưởng là do cấu trúc của Ngân hàng trung ương của một nước chịu sự chi phối bởi hàng loạt
các nhân tố thuộc nước đó như thể chế kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hoá, mà các nhân tố này
ở các nước khác nhau là không thể giống nhau. Vì vậy, điều quan trọng là các nước hãy thiết
lập một mô hình sao cho phù hợp nhất với giai đoạn trước mắt cũng như tương lai có thể dự
kiến được. Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương, có thể chia mô
hình Ngân hàng trung ương theo 4 mức độ/ kiểu độc lập/ tự chủ được áp dụng tại các Ngân
hàng Trung ương trên thế giới hiện nay:
Một là, "Độc lập trong việc thiết lập mục tiêu": Trong mô hình này, Ngân hàng trung ương có
trách nhiệm quyết định chính sách tiền tệ và chế độ tỷ giá nếu như nó không được thả nổi. Độc
lập về mục tiêu là trao cho Ngân hàng trung ương thẩm quyền được quyết định lựa chọn cho
mình mục tiêu hoạt động chủ yếu trong số vài mục tiêu đã được luật định. Mức độ độc lập này
là cao nhất mà một Ngân hàng trung ương có thể có được. Ví dụ điển hình cho kiểu độc lập
này là Hệ thống dự trữ liên bang Mỹ - Fed mà mục tiêu chủ yếu được nó lựa chọn trong số các
mục tiêu có thể xung đột với nhau là toàn dụng nhân công và ổn định giá cả.
Mô hình này là hình thức tự chủ cao nhất nhưng cũng khó áp dụng nhất. Một Ngân hàng trung
ương muốn đạt được mức độ độc lập này phải có một mức độ tín nhiệm rất cao đối vơi công
chúng và các nhà chính trị để có thể chuyển đổi mục tiêu thành công, đặc biệt khi đang trong
giai đoạn phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, mô hình này đòi hỏi Ngân hàng
trung ương phải có được khả năng thống kê kinh tế - tài chính đặc biệt chính xác để trên cơ sở
đó có thể đưa ra được những dự báo kinh tế tốt. Để áp dụng mô hình này cũng đòi hỏi phải có
sự hiểu biết sâu sắc về các biến số kinh tế khác nhau, về tổng sản phẩm quốc nội và về những
mối liên kết giữa cung tiền, lãi suất và nền kinh tế. Điều này là cần thiết để có thể quyết định tỷ
lệ tăng trưởng cung ứng tiền tệ phù hợp nhằm duy trì sự ổn định giá cả. Do chính sách tiền tệ
có tác động tới nền kinh tế sau một độ trễ nhất định (lên tới 18 tháng và có thể dài hơn để có
thể đạt được hiệu ứng đầy đủ) nên những dự báo kinh tế tốt là yếu tốt quan trọng đảm bảo cho
một Ngân hàng trung ương hoàn thành được mục tiêu hoạt động chủ yếu của mình.
Hai là, "Độc lập trong việc xây dựng chỉ tiêu hoạt động": Ở mô hình này Ngân hàng trung ương
được trao trách nhiệm quyết định chính sách tiền tệ và chế độ tỷ giá nhưng khác với kiểu Độc
lập về mục tiêu. Độc lập trong việc xây dựng chỉ tiêu hoạt động có một mục tiêu chủ yếu đã
được xác định rõ ràng trong Luật.
Độc lập trong việc xây dựng chỉ tiêu hoạt đồng là một mô hình Ngân hàng trung ương khắt khe
hơn về mức độ tự chủ của Ngân hàng trung ương. Ở mô hình này Ngân hàng trung ương chỉ
có một mục tiêu duy nhất được quy định trong Luật Ngân hàng trung ương và bất kỳ sự thay
đổi nào cũng đòi hỏi Luật phải được bổ sung, chỉnh sửa. Hình thức độc lập này có lẽ phù hợp
với trường hợp của Ngân hàng trung ương Châu Âu - ECB khi mà có tới 25 nước có chủ
quyền, một số này hùng cường hơn một số khác, đang lôi kéo theo định hướng của riêng từng
nước nhằm đáp ứng mục tiêu kinh tế xã hội của quốc gia mình.
Ba là, "Tự chủ trong việc lựa chọn công cụ điều hành": Theo mô hình này thì Chính phủ hoặc
Quốc hội quyết định chỉ tiêu chính sách tiền tệ, có sự bàn bạc, thoả thuận với Ngân hàng trung
ương. Sau khi Quyết định được thông qua, Ngân hàng trung ương sẽ có trách nhiệm hoàn
thành chỉ tiêu. Như vậy Ngân hàng trung ương sẽ được trao đủ thẩm quyền cần thiết để có thẻ
toàn quyền lựa chọn những công cụ điều hành chính sách tiền tệ phù hợp nhất sao cho đạt tới
mục tiêu đã xác định. Trên thế giới hiện có tới 36% trong số các Ngân hàng trung ương của các
quốc gia có mức thu nhập cao, 42% số các Ngân hàng trung ương của các quốc gia có mức
thu nhập trung bình khá và trên 50% thuộc các nước có mức thu nhập dưới trung bình lựa chọn
kiểu tự chủ này đối với Ngân hàng trung ương.
Yêu cầu của hình thức tự chủ trong việc lựa chọn công cụ điều hành là cần thiết phải đạt được
thoả thuận giữa Chính phủ hoặc Quốc hội với Ngân hàng trung ương. Nội dung chính của thoả
thuận là công bố chỉ tiêu cho chính sách tiền tệ hoặc chế độ tỷ giá và được thiết lập cho một
giai đoạn xác định. Trên cơ sở ý kiến của Ngân hàng trung ương, chỉ tiêu tiền tệ có thể được
thiết lập dưới hình thức độ tăng trưởng cung tiền hoặc lạm phát giá cả cần đạt được theo trục
thời gian của sự thoả thuận. Ngân hàng trung ương có đủ thẩm quyền để lựa chọn cách tốt
nhất sao cho đạt tới chỉ tiêu được giao. Sự không hoàn hảo của những thông tin kinh tế có
trong tay đòi hỏi phải linh hoạt, mềm dẻo trong cách tiếp cận và đặc tính kỹ thuật của các thị
trường tài chính gợi ý mạnh mẽ rằng việc lựa chọn công cụ nào là tốt nhất nên thuộc về thẩm
quyền của Ngân hàng Trung ương - cơ quan có đủ chuyên môn kỹ thuật cần thiết để thực hiện.
Điều này càng có sức thuyết phục hơn khi mà các Ngân hàng trung ương đang nhanh chóng
tiến tới sử dụng các công cụ gián tiếp để đạt tới các mục tiêu chính sách tiền tệ của mình. Vì
vậy, đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về sự vận hành của các thị trường tài chính và công cụ
quản lý vốn khả dụng của hệ thống Ngân hàng.
Việc áp dụng mô hình tự chủ này có thuận lợi quan trọng nhất là nó cho phép có sự hoà hợp
giữa chính sách tiền tệ với các mục tiêu của chính sách kinh tế tổng thể của một nước trong
một giai đoạn nhất định, thường là từ 3 tới 5 năm. Cũng qua mô hình này, Ngân hàng trung
ương có trách nhiệm giải trình đầy đủ cho những hành động của mình về chính sách tiền tệ
trước những nhà chính trị được bầu hợp pháp. Hơn nữa, việc các cơ quan có thẩm quyền lẫn
Ngân hàng trung ương cùng thông báo quyết định sẽ tạo điều kiện thực hiện sự công khai minh
bạch về hoạt động của Ngân hàng Trung ương. Như vậy, trong mô hình này Ngân hàng trung
ương không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất mức chỉ tiêu hoạt động và thoả hiệp
về chỉ tiêu đó mà còn có toàn quyền (được luật định) trong việc lựa chọn cách tốt nhất để đạt
tới chỉ tiêu bằng cách sử dụng các công cụ được cho là thích hợp nhất.
Bốn là, "Mức độ tự chủ bị hạn chế thậm chí không có": Ở hình thức này Chính phủ là người
quyết định chính sách (cả mục tiêu lẫn chỉ tiêu hoạt động) cũng như là thường xuyên can thiệp
vào quá trình triển khai thực thi chính sách. Ở vị thế này, Ngân hàng trung ương thực chất chỉ
là một cơ quan của Chính phủ - cơ quan ngang bộ. Vì vậy Ngân hàng trung ương không phát
huy hết được khả năng, vai trò của mình trong việc xây dựng, điều hành chính sách tiền tệ, ổn
định giá cả, hỗ trợ kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
CKH-VP