Bệnh tuyến giáp và triệu chứng lồi mắt
* Năm nay em 21 tuổi, em phát hiện mình bị bướu cổ cách đây 3 tháng.
Em đi khám ở bệnh viện, bác sĩ nói bị bướu cường giáp và cho thuốc về uống,
gồm: Bicarmol 5mg ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên; Lanzee ngày 1 viên; Power
brain ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên; Inderal 40mg ngày uống 2 lần, mỗi lần
1/4 viên.
Lần đầu bác sĩ cho em làm xét nghiệm sinh hóa FT3 > 39.0 pg/ml, FT4 >
62.4 pg/ml, TSH< 0.07 và siêu âm, kết luận: theo dõi cường giáp, hạch cổ (P). Em
uống thuốc vào thấy người hết run và không còn hồi hộp nữa. Sau 1 tháng em đi
tái khám bác sĩ cho thuốc uống tiếp.
Em uống nhưng cổ vẫn to ra và mắt ngày một lồi, trí nhớ của em cũng kém,
học mau quên, làm việc gì cũng không nhớ. Sau 1 tháng, em tái khám lần nữa bác
sĩ tiếp tục cho thuốc uống. Uống vào thấy cũng bình thường, không thấy tiến triển
gì khác và thường xuyên bị chuột rút. Đến 1-6-2009 em tiếp tục đến khám và bác
sĩ cho thuốc. BS dặn tháng sau tái khám và làm xét nghiệm.
Hiện tại mắt em vẫn rất lồi, cổ to. Xin bác sĩ cho lời khuyên và xem xét
giùm bệnh tình của em.
Một bạn đọc
- Trả lời của Phòng mạch Online:
Với những kết quả xét nghiệm như trên cộng với triệu chứng lồi mắt, có thể
kết luận em bị bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves), một bệnh của tuyến
giáp gây ra bướu giáp và cường giáp.
Cách điều trị bệnh này là dùng thuốc nhằm điều hòa sự bài tiết hormon của
tuyến giáp về mức bình thường, đủ cho nhu cầu sống của cơ thể - không bị dư
(nghĩa là cường giáp), cũng như không ở mức quá thấp (nghĩa là suy giáp).
Việc điều trị bằng thuốc uống kéo dài khoảng 1-2 năm, sau đó có thể ngưng
thuốc nếu ổn định hoặc dùng thêm biện pháp điều trị khác nếu bệnh không ổn định
hoặc tái phát. Các biện pháp khác là uống chất iôt phóng xạ hoặc mổ cắt bớt tuyến
giáp.
Trong quá trình điều trị, triệu chứng lồi mắt có thể nặng thêm. Một số yếu
tố liên quan đến lồi mắt nặng là nam giới hút thuốc lá, lo lắng, bị stress trong cuộc
sống và bản thân bị bệnh Graves. Trong thời gian đầu dùng thuốc trị bệnh, mắt
thường lồi thêm trước khi ổn định và giảm bớt. Trong trường hợp lồi mắt nặng cần
đi khám thêm chuyên khoa mắt để cùng phối hợp điều trị.
Trường hợp của em có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, ổn định tình trạng
cường giáp, đánh giá kết quả, khám và làm các xét nghiệm (TSH, FT4) định kỳ
mỗi 1-2 tháng.
Thứ hai, đánh giá, điều trị nếu cần và theo dõi diễn tiến của triệu chứng lồi
mắt. Em cần giữ gìn mắt bằng cách hạn chế những hoạt động căng thẳng cho mắt
(như đọc sách báo hay xem tivi, máy tính nhiều…), tránh khói thuốc lá và bụi nói
chung.
Theo tôi, em cần đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt. Tuyến giáp vẫn có
thể tiếp tục to ra trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc đúng liều
lượng hợp lý và theo dõi đều đặn có thể giúp hạn chế điều này. Trong trường hợp
bướu vẫn cứ tiếp tục lớn thì có thể dùng đến biện pháp phẫu thuật.
Iôt phóng xạ cũng làm bướu giáp nhỏ đi nhưng do trường hợp của em có lồi
mắt nên không áp dụng phương pháp này. Bác sĩ điều trị là quyết định sau cùng về
việc lựa chọn các biện pháp, tuy nhiên em phải được giải thích và có quyền được
thông tin đầy đủ.
Em có thể lựa chọn nơi khám bệnh theo ý mình nhưng quan trọng là cần
phải điều trị liên tục và tái khám định kỳ, theo hẹn hoặc khi có hiện tượng khác
thường xảy ra. Chúc em sức khỏe và thành công.